
Vitamin C là một trong các loại vitamin cần thiết cho cơ thể. Tác dụng của vitamin C là hình thành mạch máu, sụn, cơ và collagen trong xương. Vitamin C cũng rất quan trọng đối với quá trình chữa lành của cơ thể.
Vậy vitamin C là gì? Vitamin C có tác dụng gì? Vitamin có ở đâu?
Nào hãy cùng Nass’Farm tìm hiểu về định nghĩa vitamin C và 10 tác dụng của vitamin C đối với cơ thể nhé!
Xem nhanh
Vitamin C là gì?
Vitamin C, hay còn gọi là ascorbic acid, là một loại vitamin tan trong nước.
Tính chất tan trong nước của vitamin C làm cho nó dễ dàng được hấp thu và chuyển hóa trong cơ thể.
Tuy nhiên, vì tan trong nước nên vitamin C không được lưu trữ lâu trong cơ thể. Điều này nghĩa là cơ thể không thể tích trữ một lượng lớn vitamin C để dùng sau.
Vì vậy, việc cung cấp vitamin C hàng ngày từ thực phẩm rất quan trọng để duy trì sự cân bằng vitamin C trong cơ thể và hỗ trợ các chức năng sinh học cần thiết cho sức khỏe.
Vitamin C có tác dụng gì?
Hỗ trợ hệ miễn dịch
Tác dụng của vitamin C là hỗ trợ hệ miễn dịch của con người.
Vitamin C giúp kích thích sản xuất các tế bào bạch cầu (lymphocytes và phagocytes). Những tế bào này có nhiệm vụ tiêu diệt các vi khuẩn, vi-rút xâm nhập, bảo vệ cơ thể khỏi các mầm bệnh.
Tổng hợp collagen
Collagen là một protein quan trọng giúp duy trì sự chắc khỏe của da, xương, răng và các mô khác.
Vitamin C tham gia vào quá trình tổng hợp collagen trong cơ thể.
- Đầu tiên, nó giúp tạo ra procollagen, dạng tiền thân của collagen, trong các tế bào.
- Sau đó, vitamin C tham gia vào các phản ứng hóa học để chuyển đổi procollagen thành collagen.
- Cuối cùng, collagen được sắp xếp thành cấu trúc chặt chẽ và có khả năng đàn hồi cao.
Hỗ trợ quá trình hồi phục sau chấn thương
Khi xảy ra chấn thương, cơ thể cần tạo collagen để sửa chữa các mô bị tổn thương.
Vitamin C có nhiều tác động tích cực trong quá trình hồi phục sau chấn thương, nhờ vào việc kích thích sản xuất collagen, tái tạo và xây dựng mô mới, giúp vết thương lành nhanh hơn.
Chống oxy hóa
Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh, có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi sự tổn hại gây ra bởi các gốc tự do.
Bằng cách dâng electron cho các gốc tự do không ổn định, vitamin C biến chúng thành các phân tử ổn định, không còn khả năng tấn công các tế bào khỏe mạnh.
Khi vitamin C dâng electron cho các gốc tự do, nó trở thành một dạng oxi hóa (dạng thức hydroxy).
Dù vậy, cơ thể có khả năng tái tạo nó trở lại dạng chống oxy hóa để tiếp tục công việc bảo vệ.
Chống viêm
Vitamin C có khả năng chống viêm và hỗ trợ hệ thống miễn dịch, giúp giảm tình trạng viêm trong cơ thể.
Điều này có lợi cho các bệnh viêm mãn tính như viêm khớp và viêm nhiễm, bằng cách ngăn chặn sự hủy hoại tế bào do gốc tự do gây ra, củng cố hệ thống miễn dịch, và giảm môi trường viêm nhiễm.
Bảo vệ trí nhớ
Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe não bộ và hệ thống thần kinh trung ương.
Nghiên cứu cho thấy căng thẳng oxy hóa và viêm nhiễm gần khu vực não, tủy sống và các dây thần kinh (gọi chung là hệ thống thần kinh trung ương) có thể tăng nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ (dementia).
Bởi vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh, nên nếu cung cấp đầy đủ vitamin C từ thực phẩm hoặc viên bổ sung sẽ bảo vệ được trí não khi bạn già đi.
Kiểm soát huyết áp cao
Vitamin C có khả năng giảm huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương ở những người có huyết áp cao.
Một trong những cơ chế tác động của vitamin C là giúp giãn các mạch máu.
Khi mạch máu giãn rộng hơn, lưu lượng máu chảy qua mạch máu được tăng cường, giảm áp lực chảy máu trong mạch máu và giúp giảm huyết áp.
Dù vậy, người bị huyết áp cao cần kết hợp với các phương pháp điều trị phù hợp khác, không chỉ dựa vào vitamin C.
Phòng bệnh gout
Triệu chứng gout xuất hiện khi có quá nhiều axit uric trong máu.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin C giúp giảm mức axit uric trong máu.
Khi mức axit uric giảm, nguy cơ hình thành các tinh thể urat trong khớp cũng giảm, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh gout.
Ngoài ra, một trong những cơ chế tác động của vitamin C là giúp giãn mạch máu.
Khi mạch máu giãn rộng hơn, lưu lượng máu chảy qua mạch máu được cải thiện, giúp giảm áp lực chảy máu trong mạch máu và hỗ trợ giảm tình trạng viêm và sưng tấy trong các khớp.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Vitamin C có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Nó cải thiện sức khỏe mạch máu, hạ huyết áp và giảm mức cholesterol trong máu.
Các nghiên cứu đã phát hiện rằng sau 10 năm, những người uống ít nhất 700 mg vitamin C mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tim mạch ít hơn 25% so với những người không dùng đủ vitamin C.
Việc cung cấp đủ vitamin C làm giảm mức LDL – cholesterol xấu khoảng 7,9 mg/dL và triglyceride trong máu khoảng 20,1 mg/dL.
Giảm LDL
Cholesterol LDL góp phần tích tụ mỡ trong động mạch, nên được xem là cholesterol xấu.
Vitamin C ức chế hoạt động của enzyme HMG-CoA reductase, một enzyme quan trọng tham gia vào sản xuất cholesterol trong gan.
Bằng cách giảm sản xuất và lượng cholesterol LDL, vitamin C giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch như xơ vữa động mạch và đột quỵ.
Giảm triglyceride
Triglyceride là một loại chất béo có thể được lưu trữ trong mô bào mỡ và gây ra tắc nghẽn các mạch máu khi mức nó tăng cao.
Vitamin C giảm sản xuất triglyceride trong gan và hỗ trợ quá trình giải phóng triglyceride từ mô bào mỡ, giúp duy trì mức triglyceride ở mức an toàn.
Hấp thụ sắt
Nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ 100 mg vitamin C có thể cải thiện mức hấp thụ sắt lên đến 67%.
Trong thực phẩm, sắt thường tồn tại dưới dạng Fe3+, nhưng để được hấp thụ và sử dụng trong cơ thể, nó cần chuyển đổi sang dạng Fe2+.
Vitamin C hoạt động như một chất khử mạnh, giúp giảm Fe3+ thành Fe2+. Sau đó, sắt tạo phức hòa tan với vitamin C, giúp vận chuyển sắt qua niêm mạc ruột và thấm qua thành mạch máu.
Ngoài ra, trong thực phẩm, sắt còn phân thành 2 loại:
- Sắt heme có trong thực phẩm từ động vật
- Sắt không heme (non-heme) có trong thực phẩm từ thực vật
Vitamin C tác động đặc biệt tốt đối với sắt không heme, giúp tăng khả năng hấp thụ của nó lên gấp nhiều lần.
Vì vậy, những người ăn chay nên kết hợp bổ sung sắt và vitamin C để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu.
Thiếu hụt vitamin C
Thiếu hụt vitamin C có thể dẫn tới bệnh Scorbut. Dấu hiệu của nó là: mệt mỏi suy nhược, thiếu máu, dễ chảy máu…
Lượng vitamin C khuyến nghị hàng ngày là bao nhiêu?
Lượng vitamin C khuyến nghị hàng ngày (RDA) được đặt ra để đảm bảo mọi người tiêu thụ đủ vitamin C. Nó còn tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và các giai đoạn cuộc sống khác nhau.
- Trẻ sơ sinh từ (0-6 tháng): 40 mg/ngày
- Trẻ em (7-12 tháng): 50 mg/ngày
- Trẻ em (1-3 tuổi): 15 mg/ngày
- Trẻ em (4-8 tuổi): 25 mg/ngày
- Trẻ em (9-13 tuổi): 45 mg/ngày
- Nam thanh thiếu niên (14-18 tuổi): 75 mg/ngày
- Nữ thanh thiếu niên (14-18 tuổi): 65 mg/ngày
- Nam giới trưởng thành (19 tuổi trở lên): 90 mg/ngày
- Nữ giới trưởng thành (19 tuổi trở lên): 75 mg/ngày
- Phụ nữ mang thai: 85 mg/ngày
- Phụ nữ cho con bú: 120 mg/ngày
Nhu cầu vitamin C của mỗi cá nhân sẽ còn thay đổi dựa trên nhiều yếu tố như: lối sống, tình trạng sức khỏe và một vài điều kiện cụ thể khác.
Chẳng hạn như, những người thường hay hút thuốc cần bổ sung thêm 35 mg vitamin C so với lượng được khuyến nghị hàng ngày (RDA) để tăng cường miễn dịch bởi vì hút thuốc lá sẽ làm khả năng giảm hấp thụ và tiêu hao vitamin C.
Những thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C được tìm thấy trong nhiều loại trái cây và rau củ.
Những thực phẩm bổ sung vitamin C:
- Trái cây họ cam quýt (cam, chanh, quýt, bưởi)
- Ớt chuông
- Dâu
- Bông cải
- Lý chua đen
- Bắp cải tí hon
- Khoai tây
Xem thêm: Top 20 loại trái cây giàu vitamin C bậc nhất – nhiều hơn cả cam
Điều gì sẽ xảy ra nếu quá liều vitamin C?
Nếu nạp một lượng lớn vitamin C vào cơ thể (nhiều hơn 1000mg/ngày) có thể gây ra:
- Đầy hơi
- Đau dạ dày
- Tiêu chảy
Những triệu chứng này sẽ biến mất khi bạn ngừng bổ sung vitamin C.
Kết luận
Chỉ cần ăn uống cân bằng và đầy đủ, bạn đã nạp được lượng vitamin C cần thiết cho một ngày.
Nếu bạn sử dụng thực phẩm bổ sung vitamin C, cần chú ý liều lượng vì nó rất nguy hại cho sức khỏe nếu quá liều.