Theo các chuyên gia sức khỏe thì nhịn ăn hợp lý có một số lợi ích nhất định đối với sức khỏe bao gồm hỗ trợ cải thiện một số nguy cơ về bệnh tim mạch, kiểm soát cân nặng, giảm lượng đường trong máu và hơn thế nữa.
Tuy nhiên, cần cân nhắc thời gian và đối tượng trước khi áp dụng chế độ nhịn ăn để giảm cân hiệu quả. Điều này giúp đảm bảo lợi ích sức khỏe tốt đối với cơ thể, đồng thời, hạn chế được các hậu quả nguy hiểm đối với sức khỏe khi nhịn ăn.
Nhịn ăn liên tục trong thời gian dài để giảm cân thường được các chuyên gia khuyến cáo về các hậu quả và tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe, mọi người nên thận trọng khi thực hiện.
Nhiều người cho rằng nhịn ăn trong thời gian dài sẽ làm cơ thể cạn kiệt carbohydrate, và sẽ bắt đầu đốt cháy chất béo. Cơ thể sau khi bị bỏ đói một thời gian dài sẽ có thể giảm cân và cải thiện sức khỏe nhanh chóng. Trên thực tế, cơ thể có thể sẽ giảm calo, chất béo và cả trọng lượng. Tuy nhiên, cũng có thể cơ thể không những sẽ nhanh chóng tăng cân trở lại, mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe.
Bạn hãy cùng Nass’Farm tìm hiểu 9 hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của việc nhịn ăn trong thời gian dài để giảm cân, bạn nhé!
Xem nhanh
- 1 Gây ra việc ăn uống quá mức, khó kiểm soát, khiến tăng cân, béo phì nhanh chóng
- 2 Cơ thể mệt mỏi và làm giảm các hoạt động thể chất
- 3 Gây ra choáng váng, buồn nôn
- 4 Gây ra lo lắng và trầm cảm
- 5 Có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, suy giảm trí nhớ
- 6 Gặp phải các vấn đề về tiêu hóa
- 7 Gây ra chứng hôi miệng
- 8 Hạ đường huyết
- 9 Da khô ráp, sần sùi, nhanh lão hóa
Gây ra việc ăn uống quá mức, khó kiểm soát, khiến tăng cân, béo phì nhanh chóng
Theo trưởng khoa dinh dưỡng Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, Tiến sĩ Frank Hu chia sẻ: “Bản chất của con người là muốn tự thưởng cho mình sau khi làm những công việc vất vả, đòi hỏi nỗ lực cao. Chẳng hạn như là sau các bài tập thể dục mệt nhọc hoặc nhịn ăn trong một thời gian dài, sẽ được ăn bù. Việc này dễ dẫn đến các thói quen ăn uống không lành mạnh vào những ngày không nhịn ăn”.
Khi lượng calo trong cơ thể bị tiêu hao, mà cơ thể không hề dung nạp thêm bất cứ dưỡng chất nào vào cơ thể, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy đói. Đây là triệu chứng thường gặp trong những ngày đầu tiên của chế độ nhịn ăn. Cảm giác đói sẽ tăng dần lên trong những ngày tiếp theo. Và sau cơn đói, là các cơn thèm ăn sẽ bắt đầu xuất hiện. Điều này ắt hẳn không có gì đáng ngạc nhiên.
Do đó, trong một số trường hợp, sau thời gian nhịn ăn, đã ăn quá nhiều như thể để bù đắp lại những ngày nhịn ăn trước đó. Dẫn đến bị mất kiểm soát, gây ra tình trạng tăng cân nhanh chóng hoặc béo phì. Khiến nhịp sinh học tự nhiên bị đảo lộn, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và các hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.
Điều này thật sự không tốt cho sức khỏe chút nào, thậm chí còn gây ra các hậu quả nghiêm trọng khác.
Cơ thể mệt mỏi và làm giảm các hoạt động thể chất
Nhịn ăn có thể làm giảm các hoạt động thể chất của bạn. Nếu bạn không điều chỉnh cường độ hoạt động, mà vẫn hoạt động tích cực như trước đây, trong khi bạn không dung nạp đầy đủ thực phẩm giúp cơ thể tạo ra năng lượng. Chắc chắn, sẽ dẫn đến nguy cơ cơ thể mất dần năng lượng, uể oải, mệt mỏi và dẫn đến kiệt sức.
Chính vì thế, nếu công việc của bạn cần các hoạt động thể chất nhiều, thì bạn cần cân nhắc thật kỹ trước khi thực hiện việc nhịn ăn trong thời gian dài.
Gây ra choáng váng, buồn nôn
Choáng váng buồn nôn là những triệu chứng rất phổ biến khi nhịn ăn.
Khi nhịn ăn sẽ làm cho lượng đường trong máu của bạn bị hạ thấp, cơ thể không được cung cấp dưỡng chất gây ra thiếu năng lượng. Điều này, làm cho bạn cảm thấy nhức đầu, hơi choáng váng, khó chịu, thậm chí có cảm giác buồn nôn.
Gây ra lo lắng và trầm cảm
Có khá nhiều rủi ro về sức khỏe liên quan đến việc nhịn ăn để giảm cân. Một trong những hậu quả phải kể đến đó là rối loạn tâm trạng. Điều này, khiến bạn cảm thấy luôn cáu kỉnh, lo lắng, kém tập trung, có thể là trầm cảm.
Bạn đang quá lo ngại về cân nặng và ngoại hình của mình. Đây có thể là nỗi ám ảnh hay áp lực đối với bạn. Chính vì thế, bạn bị bắt buộc phải nhịn ăn với mong muốn là có được vóc dáng cân đối, thon thả một cách nhanh chóng. Và bạn đang phải đắm chìm trong nỗi lo, thậm chí là trầm cảm.
Tuy nhiên, nhịn ăn không phải là tất cả. Vì thế, đừng tiếp tục nhịn ăn, nếu việc này không mang lại kết quả tốt đẹp gì cho bạn.
Có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, suy giảm trí nhớ
Nếu bạn nhịn ăn không đúng cách, mà lại thực hiện trong thời gian quá dài, có thể khiến cơ thể có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, thậm chí là suy giảm trí nhớ và nhiều biến chứng khác nguy hại cho sức khỏe do thiếu nguồn năng lượng và các dưỡng chất thiết yếu.
Chính vì thế, khi nhịn ăn bạn cần có kế hoạch rõ ràng, đồng thời thực hành an toàn và cẩn thận. Tránh tình trạng cắt giảm calo quá mức khiến cơ thể không còn có đủ dinh dưỡng để duy trì hoạt động trong suốt quá trình nhịn ăn, khiến cơ thể bị suy kiệt.
Gặp phải các vấn đề về tiêu hóa
Việc cắt giảm mạnh mẽ hoặc ngừng dung nạp nguồn dưỡng chất cho cơ thể trong một giai đoạn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa của bạn.
Nhịn ăn có thể gây ra chứng ợ chua, ợ nóng, giảm axit dạ dày, hạn chế các hoạt động tiêu hóa, làm giảm khả năng chống lại vi khuẩn, do đó, dễ gây ra các bệnh về đường ruột. Bên cạnh đó, nhịn ăn cũng gây ra tình trạng mất nước, đây cũng là nguyên nhân của chứng táo bón.
Ngoài ra, nhịn ăn còn làm xuất hiện các triệu chứng khó chịu về tiêu hóa khác như buồn nôn, chướng bụng, đầy hơi, táo bón và tiêu chảy.
Gây ra chứng hôi miệng
Hôi miệng cũng là một trong những vấn đề tế nhị gây khó chịu, thường gặp ở một số người, khi nhịn ăn.
Trong quá trình nhịn ăn, phần lớn mọi người thường quên uống nước hoặc bổ sung không đủ nước, để thay cho lượng nước đã được cơ thể bài tiết ra ngoài. Điều này gây ra tình trạng mất nước cho cơ thể.
Thêm vào đó, cơ thể không được cung cấp không đủ nước, khiến lưu lượng nước bọt bị giảm đi, gây ra chứng khô miệng. Trong khi đó, axeton trong hơi thở lại gia tăng, do cơ thể thiếu chất xơ, vitamin và dưỡng chất, nên phải đốt cháy chất béo trực tiếp để làm nhiên liệu.
Tất cả các điều này là những nguyên nhân gây ra chứng hôi miệng.
Hạ đường huyết
Ăn quá ít hoặc bỏ bữa là những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng hạ đường huyết. Khi hạ đường huyết sẽ làm cho cơ thể có cảm giác nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn, thậm chí toát mồ hôi, run rẩy.
Nhịn ăn có nghĩa là bạn sẽ ngừng cung cấp các vitamin, chất xơ và các khoáng chất cho cơ thể. Tuy nhiên trong thời gian nhịn ăn, cơ thể vẫn duy trì hoạt động và tiêu tốn năng lượng, nước và các chất điện giải.
Đối với cơ thể khỏe mạnh, nếu chỉ nhịn ăn vài ba ngày, thì cơ thể có thể huy động năng lượng, vitamin và các khoáng chất từ các nguồn dự trữ và bắt đầu giảm cân. Tuy nhiên, nếu nhịn ăn trong thời gian quá dài, khi các nguồn năng lượng đã cạn kiệt, làm cho các quá trình chuyển hóa bị gián đoạn, thì có thể dẫn đến tử vong.
Đối với những bệnh nhân bị tiểu đường và cả những người bị bệnh tuyến giáp thì cần tránh xa việc nhịn ăn, vì nhịn ăn gây hạ đường huyết sẽ rất nguy hiểm đối với sức khỏe. Cần cẩn trọng!
Da khô ráp, sần sùi, nhanh lão hóa
Sở hữu dáng chuẩn, eo thon luôn là ước mơ chính đáng của chị em. Tuy nhiên, nhịn ăn dài ngày để có thân hình chuẩn, thì không chỉ mệt mỏi mà còn có hại cho sức khỏe.
Khi nhịn ăn, cơ thể dễ bị mất nước, điều này gây ra tình trạng da khô ráp, dễ bong tróc và nứt nẻ. Hơn thế nữa, cơ thể bị thiếu hụt nguồn vitamin, chất xơ và dưỡng chất dồi dào, khiến cho làn da mất đi nguồn dinh dưỡng, trở nên khô sần, nhăn nheo, tối màu, dễ bị tổn thương và nhanh lão hóa.